Những người cao niên nhất ở thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP Hà Nội cũng không biết chính xác làng nghề bắt đầu hình thành từ năm nào, chỉ biết rằng những bức hoành phi câu đối trong đình làng do người làng làm có ghi niên đại từ thế kỷ 18.
Nghệ nhân Vũ Huy Mến, người tâm huyết với nghề đã đưa những chất liệu mới vào sơn mài như vỏ trứng, vỏ trai, tạo màu vàng, màu son… và chính ông cũng là người đầu tiên đưa những bức tranh sơn mài đi giới thiệu tại các hội chợ ở Paris (Pháp) vào những năm đầu thế kỷ 20.
Hàng sơn mài vẽ tay cao cấp trên nền cốt gỗ
Những sản phẩm sơn mài có màu sắc sặc sỡ
Sơn mài là một chất liệu đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam, không chỉ để vẽ tranh mà còn tham gia vào nhiều đồ thủ công mỹ nghệ khác như hoành phi, câu đối, đồ gia dụng, tượng Phật… Chất liệu làm sơn mài cũng rất đặc biệt, đó chính là cây sơn, một loại cây chỉ mọc ở vùng trung du đồi núi Phú Thọ.
Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải kiên trì với phương pháp thủ công kéo dài, phải cầu kỳ, điêu luyện.. thậm chí hàng tháng trời mới hoàn thành xong một sản phẩm. Sản phẩm mang vẻ đẹp tài hoa của những người thợ, sự óng ánh của màu sắc đến lộng lẫy, kiêu sang và sự tinh tế, duyên dáng của các họa tiết đẹp một cách tuyệt vời. Chính những điều này đã tạo nên thương hiệu sơn mài Hạ Thái mà không chỉ trong nước mà bạn bè quốc tế cũng biết đến, đem lại cho cuộc sống của người dân nơi đây những thay đổi rõ rêt.
Sản phẩm sơn mài Hạ Thái mang vẻ đẹp tài hoa của những người thợ, sự óng ánh của màu sắc
Hiện nay, tranh sơn mài dùng sơn ta, chỉ cần lấy nắm tóc rối xoa lên tranh, hoặc dùng bàn tay ẩm (có ít mồ hôi) xoa lên tranh, tranh đã rất bóng rồi. Nhờ đặc tính độc đáo đó mà tranh sơn mài dùng sơn ta vẫn được ưa chuộng hơn vì sự công phu trong quá trình làm tranh và khi ngắm, bức tranh có độ sâu hơn, có hồn hơn.
Một xưởng sản xuất sơn mài Hạ Thái
Theo những người thợ sơn Hạ Thái, mỗi sản phẩm sơn mài, dù chỉ bé nhỏ như chiếc chén, bát, lọ hoa hay “tầm cỡ” như bức tranh, quyển album đều đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ trong từng khâu, từng công đoạn. Qua bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa, vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước ta được tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn mà vẫn giữ được nét duyên dáng, đằm thắm của làng quê Việt Nam. Các sản phẩm sơn mài với những hình dáng thanh thoát, những mẫu vẽ đậm đà sắc thái dân tộc như: bến nước cây đa, con đò lá trúc, Vịnh Hạ Long, Chùa Một Cột... đặc biệt được ưa chuộng.
Các họa tiết mang đậm vẻ đẹp làng quê
Theo Tạp chí Công Thương